DẠY TRẺ THAO TÁC VỆ SINH: RỬA MẶT

Một trong những cách phòng tránh dịch bệnh đơn giản là tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Những công việc vệ sinh hàng ngày tưởng như rất đơn giản như đánh răng, rửa mặt, rửa tay…nhưng lại rất cần thiết trong đời sống con người.

Đối với trẻ mầm non việc dạy trẻ kỹ năng vệ sinh là rất cần thiết, nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non. Làm tốt việc vệ sinh cá nhân không những giúp tạo ấn tượng tốt với những người xung quanh mà còn giúp trẻ duy trì một sức khỏe tốt. Vệ sinh đúng cách còn có tác dụng phòng bệnh rất tốt. Để thực hiện việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ các cô giáo và các bậc phụ huynh thường xuyên nhắc nhở trẻ: Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày, rửa mặt, che miệng mỗi khi hắt hơi hoặc ho, tắm ít nhất 1 lần/ ngày, rửa tay sạch sẽ thường xuyên…

Trong đó việc quan trọng mà bất cứ bé nào cũng cần phải học đó là kỹ năng rửa mặt. Rửa mặt nhìn có vẻ dễ dàng nhưng các bước rửa mặt của trẻ  không đơn giản, các thao tác phải nhẹ nhàng, đúng cách, việc chuyển dịch vị trí khăn, gấp khăn trẻ quan sát và làm đúng, quan trọng là làm sao để da mặt trẻ không tiếp xúc lại với phần khăn bẩn, tránh dùng phần khăn đã tiếp xúc da mặt trước đó lau lại trên mặt trẻ.

Sau đây là một số thao tác rửa mặt của các bé lớp mầm 3 trường mầm non Vĩnh Hòa đã và đang thực hiện thường xuyên, khăn mặt – đồ dùng cá nhân quen thuộc của trẻ, mỗi trẻ sẽ có một khăn mặt với ký hiệu của riêng mình.

+ Bước 1: Rũ khăn, trải khăn lên 2 lòng bàn tay, trẻ đỡ khăn bằng 2 lòng bàn tay

+ Bước 2: Dùng ngón tay trỏ trái lau mắt trái lau từ trong ra ngoài, ngón tay trỏ phải lau mắt phải và cũng lau từ trong ra ngoài đuôi mắt.

+ Bước 3: Dịch khăn lau sống mũi từ trên xuống, nhích khăn lau 2 lỗ mũi.

+ Bước 4: Dịch khăn lau miệng

+ Bước 5: Gấp khăn, dùng nửa đầu khăn bên trái lau trán, má, cằm bến trái và phải

+ Bước 6: Tiếp tục gấp khăn lau vành tai cổ bên trái, lật khăn lau vành tai, cổ bên phải.

Trẻ thực hành rửa mặt